Con thành F0, ‘ham’ cho khám, nhập viện có thể khiến bệnh chồng bệnh

Theo chuyên gia, nếu phụ huynh “ham” đưa trẻ vào viện đang trong thời điểm giao mùa Đông – Xuân như hiện nay, nguy cơ bệnh chồng bệnh, virus này xen lẫn virus kia khiến trẻ lây nhiễm từ nhau là rất cao.

Trong gần 500.000 trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 (tương đương hơn 19% tổng số ca mắc cả nước trong hơn 2 năm qua), có 165 trẻ tử vong (chiếm 0,42% tổng tử vong chung). Theo Bộ Y tế, lứa tuổi 6-12 ghi nhận tỷ lệ mắc nhiều hơn so với các lứa tuổi trẻ em còn lại.

Trẻ mắc COVID-19 nhập viện chủ yếu ở mức độ trung bình

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, BS. Nguyễn Trung Phong – Đơn nguyên điều trị COVID-19 nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, hiện có 25 F0 điều trị tại đây.

Trường hợp nhỏ tuổi nhất và cũng nặng nhất là bé trai chỉ mới 3 tuần tuổi, mắc COVID-19 cách đây 10 ngày. Bé được đánh giá mắc bệnh ở mức độ nặng với tình trạng suy hô hấp, phải thở oxy đến nay được 3 ngày. Khi diễn biến tích cực hơn, các bác sĩ cho cai dần oxy, thở ngắt quãng. Trước đó, có 3 trẻ lớn (10 tuổi) do khó thở cũng được can thiệp thở oxy, nay đã hồi phục.

Là bệnh viện tầng 3 trong điều trị COVID-19, theo BS. Phong, hiện đơn vị này đã sử dụng 100% công suất giường giành cho bệnh nhi. Thực tế, nhu cầu nhập viện điều trị của phụ huynh có thể gấp đôi con số hiện có trong viện. Các bác sĩ đã phải tư vấn, giải thích để chuyển bệnh nhi về tuyến dưới hoặc cho về nhà theo dõi.

Con thành F0, 'ham' cho khám, nhập viện có thể khiến bệnh chồng bệnh - Ảnh 1.

Điều trị COVID-19 cho trẻ nhỏ ở cơ sở y tế. Ảnh minh hoạ.

Tại viện này, chỉ 0,5-1% trẻ tới khám có chỉ định nhập viện, chưa có bệnh nhân nguy kịch. “Những trường hợp bệnh nhi phải nhập viện theo dõi hầu hết đều có triệu chứng ho, sốt cao không đáp ứng thuốc, co giật, rối loạn tiêu hoá, mất nước, nguy cơ biến chứng viêm phổi, được chẩn đoán mức độ trung bình” – BS. Phong cho hay.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, BS. Nguyễn Thành Lê – Trưởng khoa Nhi cho hay, hiện có gần 40 bệnh nhi dưới 16 tuổi đang theo dõi, điều trị. Các trường hợp diễn biến nặng lên phải thở oxy cách đây 1 tuần đều đã hồi phục.

Hầu hết các bé trở nặng phải can thiệp thở oxy đều sử dụng máy trong 1-2 ngày là tiến triển tích cực lên. Chủ yếu các bé tăng nặng do tình trạng nhiễm trùng, bội nhiễm” – vị trưởng khoa nói với PV Báo Sức khỏe & Đời sống.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khu vực phía Bắc đang trong thời kỳ giao mùa Đông Xuân, cũng mùa ghi nhận nhiều trẻ nhiễm virus với biểu hiện viêm long đường hô hấp trên, ho, sốt… Thực tế, tại Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện có khoa Nhi ở Hà Nội, số lượng trẻ phát hiện mắc COVID-19 khi đến khám vì các biểu hiện trên lên tới hàng trăm ca.

Trong hàng trăm trẻ mắc COVID-19 thì chỉ có 2-3 trẻ có đủ tiêu chuẩn cần phải nhập viện – PGS.TS Trần Minh Điển nói và khuyên các bậc phụ huynh cần bình tĩnh khi con có dấu hiệu ho, sốt, mệt, có tiền sử tiếp xúc F0.

“Ham” cho con khám, nhập viện có thể khiến bệnh chồng bệnh

Theo PGS. Điển, tâm lý hoang mang, lo lắng nghi con mình nhiễm của cha mẹ là điều rất dễ thông cảm tuy nhiên, vì sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần bình tĩnh. Trước hết, cha mẹ cần đánh giá tình trạng sốt của trẻ; tri giác (có chơi ngoan, có bú mẹ, có quấy khóc hay không…); tình trạng ho, khó thở; vệ sinh, tiêu hoá…

Cần phải bình tĩnh để nhận định và đưa con tới cơ sở gần nhất nếu có dấu hiệu bất thường, đồng thời thông báo cho y tế cơ sở để theo dõi” – vị chuyên gia khuyên.

Với một em bé tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các cơn sốt dù cao nhưng vẫn đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt, ăn uống tốt, chơi ngoan thì trẻ hoàn toàn có thể điều trị, theo dõi ở nhà.

Nếu đưa trẻ vào viện đang trong thời điểm giao mùa Đông – Xuân như hiện nay, nguy cơ bệnh chồng bệnh, virus này xen lẫn virus kia khiến trẻ lây nhiễm từ nhau, là rất cao. Trong trường hợp trẻ sốt cao, không đáp ứng thuốc, co giật, mệt li bì hoặc có thể có xuất hiện khó thở… thì cha mẹ cần liên hệ để đưa con tới cơ sở y tế.
PGS.TS Trần Minh Điển.

Lưu ý khi dùng thuốc, máy đo SpO2 cho trẻ

Máy đo SpO2 cầm tay là dụng cụ thiết yếu trong gia đình trong mùa dịch bệnh nhằm theo dõi chỉ số bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Tôi nghĩ thiết bị đo SpO2 dùng phù hợp với người lớn, còn với trẻ nhỏ đánh giá trên tay không chính xác. Do vậy, muốn đánh giá phải thử trên người lớn trước rồi mới làm trên trẻ, có thể cặp ở chân với trẻ bú mẹ” – PGS.TS Trần Minh Điển khuyên.

Có con là F0, cha mẹ cần đo SpO2 ít nhất 2 lần/ngày hoặc khi thấy trẻ mệt, thở nhanh, khó thở. Nếu SpO2 bất thường (dưới 96%) cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo, và báo nhân viên y tế hỗ trợ.

Ở người lớn, trẻ nhỏ mắc COVID-19 có thể tăng khả năng đông máu. Khi điều trị tại viện, tùy trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi. Cùng đó, bác sĩ cũng chỉ định xét nghiệm để đánh giá tình trạng viêm nhiễm và đưa ra chỉ định thuốc kháng viêm, thuốc kháng virus. Đây là những loại thuốc phải do bác sĩ chỉ định, cân nhắc sử dụng, không được dùng với trẻ theo dõi tại nhà.

“Thuốc kháng virus dùng cho bé từ 3,5kg trở lên, mắc COVID-19 mức độ trung bình, có thở oxy, liều điều chỉnh hàng ngày, phụ thuộc cân nặng của bé” – BS. Trung Phong nói. Với thuốc chứa corticoid cũng vậy, đặc biệt bé có bệnh cảnh nhiễm trùng, nhỏ tuổi càng cần thận trọng.

Nếu lạm dụng các thuốc này sẽ dẫn đến nhiều hiệu quả, đặc biệt trong bệnh cảnh COVID-19 có thể làm giảm sức đề kháng sau này còn ảnh hưởng đến xương, hệ miễn dịch…