Không nên chủ quan rằng đã tiêm vắc xin, sức khỏe tốt thì nhiễm sẽ không vấn đề gì

“Ai rồi cũng là F0”, “F0 nhiều hơn F1” là suy nghĩ của nhiều người dân tại Hà Nội lúc này, khi số ca nhiễm tăng nhanh. Các bác sĩ khuyên không nên chủ quan, cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân, người xung quanh.

Không nên chủ quan rằng đã tiêm vắc xin, sức khỏe tốt thì nhiễm sẽ không vấn đề gì - Ảnh 1.

Các y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 – Ảnh: NAM TRẦN

Theo thống kê tính đến tháng 7-2021, dân số Hà Nội đạt khoảng 8,3 triệu người. Trong khi đó tính đến ngày 19-2, Hà Nội ghi nhận 196.416 ca COVID-19 cộng dồn với 893 ca tử vong. Như vậy, số ca nhiễm COVID-19 thống kê được tại Hà Nội chỉ chiếm hơn 2,3% dân số Hà Nội.

Tuy nhiên nhiều người dân tại Hà Nội đặt câu hỏi có khả năng con số cao hơn khi xung quanh bạn bè, người thân đều thông báo đã mắc COVID-19.

“Số ca nhiễm mới có thể gấp 4-5 lần số thống kê được”

Cách đây 4 ngày, gia đình 3 người của bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh có 2 người có kết quả xét nghiệm dương tính. Dù đã có chuẩn bị từ trước, nhưng khi nghe tin, anh chị cũng “đứng hình” mất mấy giây.

Và 4 ngày qua là trải nghiệm tương tự nhiều gia đình Hà Nội hiện nay, khi F0 trong nhà lại nhiều hơn F1. F0 đi lại trong nhà, nấu ăn và chăm sóc F1 đang cách ly trong phòng.

“Nhà tôi không đến nỗi F0 nấu ăn rồi tiếp tế cho F1 như bức ảnh trên mạng xã hội, nhưng F0 nấu xong thì F1 sẽ ăn trước, F0 ăn sau, khi F0 ở trong phòng thì F1 có thể đi lại trong không gian chung, các chai sát khuẩn tay để ở nhiều vị trí để F1 có thể dễ dàng sử dụng. Đến nay F0 vẫn phòng cho F1 tốt nên F1 test nhanh hằng ngày vẫn có kết quả âm tính” – chị Oanh cười.

Tình cảnh F0 trong gia đình lại chăm sóc cho F1, trong khi F1 phải… cách ly đang diễn ra ở nhiều gia đình Hà Nội. “Có cảm tưởng như số lượng F0 đang rất nhiều vì số gia đình tôi biết có F0 còn nhiều hơn số gia đình không có” – anh Toàn, một người Hà Nội, nói.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Huy Nga – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho rằng số F0 ghi nhận trong công bố chính thức như kể trên chỉ là “tảng băng nổi”, số ca nhiễm COVID-19 có thể hơn nhiều lần so với con số thống kê được.

“Tôi nghĩ số ca nhiễm phải gấp 4-5 lần số ca mà chúng ta thống kê được. Nguyên nhân do một số F0 không khai báo, một số không có triệu chứng, thậm chí không biết rằng mình đã mắc bệnh.

Hiện tại chúng ta đã bao phủ vắc xin, bởi vậy những người nhiễm đa số là triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Vì vậy khó có thể thống kê chính xác được số ca nhiễm mới hiện nay” – ông Nga nói.

Tâm lý an ủi “Ai rồi cũng là F0”!?

Anh Nguyễn Văn Linh (Hà Nội) đã tiêm đủ 3 liều vắc xin phòng COVID-19, chưa mắc bệnh nhưng tâm lý luôn lo “ai cũng sẽ là F0”. Anh Linh chia sẻ: “Ngày nào cũng thấy bạn bè, người thân thông báo mắc COVID-19. Tâm lý bây giờ là chờ đến lượt mình”.

Không nên chủ quan rằng đã tiêm vắc xin, sức khỏe tốt thì nhiễm sẽ không vấn đề gì - Ảnh 2.

Phát thuốc cho F0 tại nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) – Ảnh: HÀ QUÂN

Tâm lý này xuất hiện ở nhiều gia đình, bác sĩ Oanh cho hay tại trung tâm chị làm việc cũng đã có một nhóm nhân viên là F0. Có gia đình F0, có con nhỏ F1 không gửi được ai nên bố mẹ F0 vẫn đang chăm sóc. Việc F0 chăm sóc F1 quá nhỏ rất cách rách, phức tạp, và dù có cố gắng thì nguy cơ F1 thành F0 vẫn rất nhiều.

“Gia đình anh chị của tôi thì cả nhà F0, hiện 4 F0 tự trông nhau. Một gia đình anh chị khác thì 4 người F0 và 1 người F1, cả gia đình vẫn sinh hoạt cùng nhau bình thường” – chị Thu Hương, ngụ quận Thanh Xuân, cho biết.

Trên mạng xã hội có rất nhiều người thông báo đã trở thành F0. “Rồi ai cũng đến lượt” – họ tự an ủi. Thậm chí trên mạng đã có những đoạn status gây cười: “Cùng phận F0 mà xưa thì xe đón, cơm bưng nước rót, báo chí truyền thông theo sát. Giờ cái dây giăng trước cửa nhà cũng không có…”.

Có người thì nói vui: “Sống hơn 40 năm trên cõi trần gian, giờ mới được chứng kiến cảnh người âm (tính) đi chăm sóc người dương (tính)”.

Theo TS Hoàng Bùi Hải – phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Hoàng Mai, Hà Nội – suy nghĩ này đúng nhưng không được suy nghĩ theo hướng chủ quan.

“Chúng ta chủ quan rằng chúng ta đã tiêm vắc xin, sức khỏe tốt thì sẽ không vấn đề gì. Việc tiêm vắc xin khiến nguy cơ chuyển nặng thấp hơn rất nhiều. Tại bệnh viện, có những người đã tiêm đủ hai mũi nhưng vẫn chuyển nặng. Mũi tiêm tăng cường để kháng thể tốt hơn chứ không phải miễn nhiễm.

Mỗi cá thể đáp ứng với bệnh khác nhau. Nhiều người rất khỏe mạnh nhưng khi nhiễm bệnh, sự tương tác với virus gây tổn thương cho cơ thể, ảnh hưởng đến phổi.

Bởi vậy chúng ta không nên chủ quan. Người dân cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Trong khi đó, nhiều bệnh nhân nhẹ chưa có tổn thương phổi nhưng biến chứng hậu COVID-19 cũng không thể chủ quan. Vì vậy cố gắng không bị nhiễm bệnh là tốt nhất”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Khi nào “miễn dịch cộng đồng”?

Hà Nội những ngày qua liên tục lập đỉnh mới, ngày 19-2 ghi nhận gần 5.000 ca nhiễm. Nhiều người đặt câu hỏi, số ca nhiễm như vậy Hà Nội đã đạt miễn dịch cộng đồng chưa?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nga cho rằng việc ca nhiễm tăng là điều đương nhiên khi Nhà nước mở cửa các dịch vụ.

Không nên chủ quan rằng đã tiêm vắc xin, sức khỏe tốt thì nhiễm sẽ không vấn đề gì - Ảnh 3.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh THPT Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

“Chúng ta đã xác định sống chung, thích nghi với dịch bệnh. Về miễn dịch cộng đồng đối với dịch COVID-19 hoàn toàn khác so với các dịch bệnh đã từng xảy ra trước đây. Trước kia, dịch sởi, thủy đậu… dựa vào yếu tố bao phủ vắc xin sẽ khống chế được dịch. Nhưng với COVID-19 thì khác, dù có tiêm đầy đủ vắc xin vẫn nhiễm bệnh, vẫn có tỉ lệ tử vong.

Điều chúng ta nên làm hiện nay là nhận định, đánh giá lại cách xác định F0. Chúng ta chỉ nên tính người nhiễm COVID-19 vào bệnh viện, tử vong là F0. Còn lại với những người mắc nhẹ, không triệu chứng thì chúng ta không cần quan tâm nữa”, ông Nga bày tỏ quan điểm.

Bác sĩ Hải Oanh cũng chia sẻ đây là giai đoạn “thích ứng an toàn với dịch”. Trước đây chúng ta cố để không nhiễm, nhưng nay sau khi mọi người đã tiêm đủ vắc xin, tình trạng bệnh như tất cả F0 trong gia đình và trung tâm chị đều ở mức “điều trị tại nhà” thì cũng không có gì phải quá lo lắng.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà – giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện tỉ lệ ca bệnh có dấu hiệu nặng của Hà Nội chỉ 5%. Hà Nội cũng nằm ngoài danh sách 10 địa phương có số ca nặng cao nhất dù liên tục dẫn đầu về số mắc mới.

“Ở giai đoạn này, nên đánh giá cấp độ dịch dựa trên số ca chuyển nặng, ca tử vong, khả năng tiếp nhận điều trị…” – bà Hà nêu ý kiến.

https://tuoitre.vn/khong-nen-chu-quan-rang-da-tiem-vac-xin-suc-khoe-tot-thi-nhiem-se-khong-van-de-gi-20220220112427013.htm